Mạnh Tử: 孟 子 Tứ_phối

Bài chi tiết: Mạnh Tử

(372-289 trước TL) Họ Mạnh tên Kha, tự là Tử Dư thuộc dòng dõi Công Tộc Mạnh Tôn ở nước Lỗ. người huyện Trâu, tỉnh Sơn Đông (nước Lỗ thời Xuân Thu).

Theo Mạnh Tử phả, Mạnh Tử sanh ngày mùng 2 tháng 4 năm thứ 4 đời vua Chu Liệt Vương (372 trước TL) và mất vào ngày 15 tháng 11 năm thứ 26 đời vua Chu Noãn Vương (289 trước TL), thọ 83 tuổi.

Ông là học trò của Khổng Cấp tức thầy Tử Tư, có thể nói là học trò đời thứ tư của Đức Khổng Tử. Ông có tài hùng biện. Sang thời Chiến Quốc, thiên tử nhà Chu suy yếu, chư hầu cát cứ nhiều nơi, loạn lạc bốn phương, ông muốn noi gương Khổng Tử đi chu du các nước chư hầu để đem cái đạo của Thánh nhân ra ứng dụng.

Tuy nhiên, cũng như Đức Khổng Tử, không vua nào chịu theo đạo Nhân Nghĩa của ông. Đến khi tuổi già, sức đã mỏi, ông xin từ chức quan khanh ở nước Tề trở về quê nhà dạy học trò và soạn sách Mạnh Tử.

Ông lập ra thuyết Tánh Thiện (Nhân chi sơ, tánh bổn thiện), thuyết Dân vi quý... Ông là người hoạt động xông xáo và có ảnh hưởng lớn trong công cuộc truyền bá Nho học tại Trung Quốc ngày ấy. Do đó, người ta tôn Mạnh Tử là bực Á Thánh, tức là bực Thánh đứng hàng thứ nhì dưới Khổng Tử, và được truy phong là Trâu Quốc Công (Trâu là đất Trâu, sanh quán của Mạnh Tử), được phối hưởng nơi miếu thờ Đức Khổng Tử.

Trong văn học ta thường nghe đến điển tích liên quan đến ông như Mạnh mẫu trạch lân (mẹ của Mạnh Tử chọn xóm để ở) Mạnh mẫu đoạn ky (mẹ của Mạnh Tử cắt khung cửi)...